Giống gà Giống_vật_nuôi_Việt_Nam

Gà ta
Một đàn gà ta (hình trên) và thịt gà ta (hình dưới). Các giống gà ta có tiếng là chịu kham khổ, nuôi con khéo, gà ta khi luộc da săn, vàng ươm bóng mỡ, thịt gà ta thơm, ngọt, chắc.
Gà đồi Mai Châu

Các giống gà nội địa của Việt Nam gọi chung là gà ta (để phân biệt với gà Tàu là giống gà từ phương Bắc và gà Tây là giống gà từ Pháp, gà Mỹ), gà nội (để phân biệt giữa gà nội địa, gà địa phương với các giống gà nhập ngoại). Đặc điểm chung của gà ta là thịt thơm ngon, lòng đỏ trứng to (34-35% khối lượng trứng) chịu đựng tốt nhưng các giống gà nội năng suất thấp[23]. So với gà công nghiệp, gà ta thả vườn dễ nuôi, có sức chống chịu bệnh cao, có khả năng tận dụng thức ăn, đầu tư chuồng trại thấp, phù hợp với điều kiện nuôi nông hộ. Gà ta có chất lượng thịt thơm, ngon, giá bán cao do thị hiếu người tiêu dùng luôn ưa chuộng giống gà ta[24]. Gà ta vốn khỏe mạnh hơn gà công nghiệp và khi được chăn thả theo mô hình tự nhiên bán hoang dã, chúng sẽ tự điều chỉnh để thích nghi, hòa nhập và chống chọi với dịch bệnh, vì vậy gà thả vườn ít bị dịch bệnh hơn nuôi gà công nghiệp[25].

Gà là giống vật nuôi rất thân thuộc với đời sống người Việt, làng quê Việt sẽ thiếu hồn nếu thiếu tiếng gà. Trong hơn 20 loại gia cầm quý ở Việt Nam được bảo tồn gen, gà chiếm 11 loại, còn lại là vịt (vịt cỏ, vịt bầu bến, vịt bầu Quỳ), ngan (ngan trắng tức ngan ré, ngan đen tức ngan trâu, ngan loang đen trắng), ngỗng cỏ. Hiện Việt Nam đang có các giống gà hồ, gà mía, gà Đông Tảo, gà Tàu vàng, gà ri, gà tre, gà Phù Lưu Tế, gà Văn Phú, gà ô, các loại gà lai, gà cải tiến[26] Trong số đó có 05 giống gà tiến vua độc nhất vô nhị của Việt Nam. Viện Chăn nuôi đang bảo tồn 24 giống vật nuôi, trong đó có 7 giống gà, là gà Lạc Thủy, gà Lạc Sơn (Quảng Bình), gà Kiến (Bình Định), gà Quý Phi, gà nhiều cựa, gà Lôi lam đuôi trắng, gà Xước Hà Giang[9].

Dưới đây liệt kê (chưa đầy đủ) một số giống gà ta đang được nuôi ở Việt Nam hiện nay:

Gà ri

Gà Ri được nuôi phổ biến nhất. Vì được nuôi ở nhiều người lại ít được chọn lọc nên gà Ri có nhiều loại thể hình, màu lông. Gà Ri nhỏ, đầu thanh mỏ nhỏ, ngực lép, bụng thon, con đực mào đỏ răng cưa (mào cờ), con cái không mào, lông đỏ thẫm, đuôi đen ánh xanh, bụng đỏ nhạt hoặc vàng, chân có 2 hàng vẩy màu vàng, lông vàng, nâu, hoặc hoa mơ đốm trắng (gà mái mơ). Gà ri khéo nuôi con, thịt thơm ngon. Giống gà này được FAO công nhận[27].

Gà Re

Gà Re, còn gọi là gà Hrê, là một giống gà đặc sản, quý hiếm, có từ xa xưa của dân tộc Hrê ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là nguồn gen vật nuôi quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam. Gà chủ yếu được nuôi chăn thả, có tập tính siêng kiếm ăn quanh vườn, không chịu ở yên một chỗ. So với các giống gà thông thường khác, gà Re có giá cao.

Gà ác

Gà ác hay gà ô kê Là giống gà nguyên liệu cho đặc sản gà ác tiềm (hầm) thuốc Bắc, rất bổ, tham gia quá trình tạo xương, đen tóc, tạo kháng thể chống mầm bệnh, tạo máu. Gà ác được nuôi nhiều ở phía Nam, nhỏ con (chỉ từ 5 đến 7 lạng), có sức sống cao, nuôi được cả nhốt lẫn thả, được coi như một vị thuốc bổ. Gà đen được nuôi ở vùng biên giới Việt Trung, có nhiều ở Lào Cai, do nuôi thả chung nên bị lai tạp giống. Chịu đựng kham khổ, khắc nghiệt, sương giá tuyết rơi, gà vẫn đi kiếm mồi. Giống gà này được FAO công nhận[27].

Gà Okê

Gà Okê hay tên gọi khác là gà đen là một giống gà bản địa Việt Nam có từ hàng trăm năm tại các huyện biên giới Bắc Hà, Mường Khương, Văn Bàn, Than Uyên, Bát Xát thuộc tỉnh Cao Bằng, miền Bắc Việt Nam. Màu lông chủ yếu là vàng đất, một số ít có màu đen tuyền hoặc màu hoa mơ. Da, tích, mỏ, dái tai màu đen; chân chì.

Gà Tò

Là giống gà nổi tiếng của vùng quê Quỳnh Phụ (Thái Bình). Gà Tò có thân hình chắc, khoẻ, chân cao. Gà mái trưởng thành có lông màu đỏ pha lẫn màu vàng đen, Gà trống trưởng thành cao to, lông màu đỏ tía, chân cao, Đặc trưng của gà Tò thuần chủng là có lông suốt từ khuỷu chân xuống, gọi là "lông quần". Phía sau gối gà trống có thêm một chòm lông như đuôi quạ, gọi là "lông gối". Không có lông chân thì không phải là gà Tò. Giống gà này được FAO công nhận[27]

Gà Tè

Là giống gà có ở Tuyên Quang, Hưng Yên, Hà Bắc, Hà Tây, Nam Hà, Phú Thọ. Vì lùn tè, thấp do lúc trưởng thành xương ống bàn chân, không phát triển chiều dài, chỉ 4 cm (gà Ri 12 cm) nên gọi là gà Lùn (tè). Đa số gà trống màu lông sặc sỡ, một số con đen tuyền có đốm trắng trên đầu, bụng, lượng trứng cao 80-120 quả/mái (nếu nuôi nhốt không cho ấp), nuôi con khéo, kiếm ăn giỏi. Giống gà này được FAO công nhận[27].

Gà mía

Một con gà mía

Là giống gà lễ vật cung tiến thần thánh, vua quan. Gà Mía có mào cờ, tai chảy, chân vàng nhạt, gà trống thân to, lông màu mận chín hoặc đen, gà mái lông màu lá chuối khô, khi đẻ được 3 – 4 tháng lườn chảy xuống như yếm bò, một đặc điểm nổi bật. Gà nặng khoảng 3 kg, trứng to (58g), 9 tháng/năm. Giống gà này được FAO công nhận[27].

Gà Móng

Gà Móng hay còn gọi là gà chân voi là giống gà còn được nuôi duy nhất ở xã Tiên Phong (Duy Tiên, Hà Nam). Đây là một giống gà quý có tên trong sách Đỏ Việt Nam, là giống gà cổ thuần chủng, chân to, thân hình giống gà Hồ (Bắc Giang), chất lượng thịt ngon. Giống gà Móng vốn du nhập từ Hưng Yên. Do vị trí nuôi hiện nay được bao bọc bởi sông Châu nên giống không bị lai tạp. Qua thời gian, giống gà này vẫn giữ được những đặc tính tốt. Giống gà này được FAO công nhận[27].

Gà Hồ

Gà Hồ trống có đầu công, mình cốc, cánh vỏ trai, da đỗ tương, mào xuýt, diều cân, chân tròn đùi dài, lông đen hoặc mận chín, gà mái màu lông đất thó hoặc màu vỏ quả nhãn là gà thuần chủng. Gà mái nuôi con vụng, sản lượng trứng thấp nhưng khỏe mạnh. Dù to lớn nhưng thịt gà Hồ không nhạt nhẽo giống như gà công nghiệp mà ngược lại có mùi thơm và vị ngọt dịu, vừa mềm, vừa dai. Giống gà này được FAO công nhận[27].

Gà H’Mông

Gà H’mông hay còn gọi là gà Mèo là giống gà được người H’mông nuôi trên đỉnh núi cao (rẻo cao). Gà H’mông hiện nay một giống gà đặc sản của đồng bào H’mông vùng Sơn La. Giống gà H’mông đã trở thành một vật nuôi mới cho chăn nuôi, được các tỉnh Sơn La, Hà Giang triển khai nhân rộng. Giống gà này được FAO công nhận[27]

Gà nòi

Hai con gà nòi ở Quảng Ngãi

Gà nòi có ở khắp các miền Việt Nam, thường gọi là gà chọi hay gà đá hay gà đòn, gà cựa. Con trống có lông màu xám, màu đỏ lửa xen lẫn các vệt xanh biếc, con mái có màu xám đá, vóc dáng to, chân cao, chân cao, cổ cao, thịt đỏ rắn chắc. Gà nòi là một trong những giống vật nuôi tiêu biểu của Việt Nam. Thông thường chúng được nuôi làm gà chọi hay gà kiểng. Giống gà này được FAO công nhận[27]

Gà tre

Là dòng gà gần với gà rừng nhất, người ta đã bắt gà rừng thuần hóa và lai tạo cho ra giống gà Tre này. Gà tre có lông sặt sỡ nhiều màu, nhưng thể trạng nhỏ. Đặc biệt tiếng gáy rất thanh. Các giống gà tre chủ yếu lưu truyền ở Miền Nam, thông thường nó không sử dụng để sản xuất mà chủ yếu là làm gà kiểng (gà tre Tân Châu) hoặc lai tạp làm gà chọi (gà Cao Lãnh, gà Chợ Lách). Giống gà này được FAO công nhận[27]

Gà kiến

Gà Kiến hay còn gọi là gà Bình Định là giống gà quý hiếm này sinh sống ở Bình Định, Phú Yên; hai tỉnh này chỉ cách nhau đèo Cù Mông nên gà kiến có cơ hội lai tạo qua lại. Tên gọi gà kiến là cách dân bản địa đại ý nói giống gà này chậm lớn, đây cũng là cách gọi để phân biệt với các loại gà công nghiệp hoặc gà nuôi theo lối công nghiệp.

Gà Tàu vàng

Mặc dù có tên gọi là gà Tàu nhưng đây là một giống gà ta. Gà Tàu vàng nguồn gốc Trung Quốc, sống nhiều ở Tây và Đông Nam Bộ, lông vàng, chân và da vàng, thịt trắng, ấp và nuôi con giỏi, sống nhiều nhất ở Long An, nặng từ 1,4 – 2 kg, nhiều trứng chỉ sau gà Ri. Gà tàu vàng là giống gà địa phương lâu đời nuôi ở các tỉnh phía Nam. Màu lông không đồng nhất (từ vàng đến vàng sẫm điểm đốm nhiều màu), chân nhỏ và thấp, da và mỏ màu vàng. Giống gà này được FAO công nhận[27]

Gà Đông Tảo

Giống gà có nguồn gốc từ xã Đông Tảo Khoái Châu, Hưng Yên. Gà trống có lông mận chín pha đen (mã mận chín) hoặc đen (mã lĩnh), đùi to, chân múp míp, dáng đi chậm chạp. Hơn 5 tháng, gà bắt đầu đẻ, đẻ 10 tháng liền, nhưng ấp bóng nhiều (ấp không trứng) nên béo nhanh hợp với nuôi nhốt, ít chịu được rét, gà trống có thể tới 5 kg, gà mái 3,5 kg, hợp để lai tạo các giống thịt. Giống gà này được FAO công nhận[27].

Gà Liên Minh

Là giống gà quý hiếm của người dân thôn Liên Minh, xã Trân Châu, huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Gà Liên Minh nổi tiếng bởi thịt mềm, thơm, ngọt, da giòn vàng óng. Gà có chân cao, lông vàng óng mịn. Gà cao to, con trống nặng tới 5 kg, con mái nặng 2,5 đến 3 kg, ban ngày gà kiếm ăn tự do, ban đêm gà ngủ trên cây, hầu như không cần chuồng trại.

Gà Lạc Thủy

Gà Lạc Thủy là một giống gà bản địa đặc hữu và quý hiếm có nguồn gốc từ huyện Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình và được nuôi từ khá lâu đời, chúng được đưa vào đối tượng để bảo tồn nguồn gen. L là một trong những giống gà nội thuần nhất, đồng nhất về ngoại hình và có nguồn gen đặc hữu còn tiềm ẩn. Chúng là giống gà có mã đẹp, chất lượng thịt thơm ngon, dễ nuôi, được thị trường ưa chuộng, cho hiệu quả kinh tế cao, gà Lạc Thủy có khả năng chống chịu bệnh, thời tiết khí hậu, nhất là vào mùa lạnh khá tốt, dễ nuôi, lớn nhanh.

Gà Tiên Yên

Còn gọi là gà đồi là một giống gà đặc sản của vùng Quảng Ninh. Giống gà này đã được Nhà nước Việt Nam công nhận là giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh. Là giống gà đồi, suốt ngày leo dốc, tìm sâu nên da vàng, thịt thơm, nước ngọt. Gọi là gà đồi là bởi giống gà địa phương ở đây truyền đời được nuôi thả rong, hàng ngày chúng đi lang thang trên các triền đồi để tự đắc kiếm ăn từ các loại trùng, dế, kiến, mối. Giống gà này được FAO công nhận[27].

Gà Văn Phú

Gà Văn Phú ở xã Văn Phú, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, do tập quán thi gà mùa Xuân nên chọn lọc được giống đồng nhất về tầm vóc, màu lông, hiện nay không còn giống thuần nữa. Có màu lông đen toàn thân, có thể nặng tới 3,2 kg chân có 2-3 hàng vẩy đen, đuôi dài cân đối, thịt thơm ngon, nhưng khó hồi phục giống vì dân gian ít được dân ủng hộ. Giống gà này được FAO công nhận[27].

Gà đồi Yên Thế

Là một giống gà bản địa ở vùng Yên Thế thuộc Bắc Giang. Đây là giống gà lai tạo của địa phương được nuôi theo hình thức chăn thả ở đồi, các giống gà này gọi chung với thương hiệu sản phẩm là gà đồi Yên Thế. Bắt đầu từ năm 2006, huyện Yên Thế đã dấy lên phong trào chăn nuôi gà đồi giống địa phương dưới tán cây rừng và cây ăn quả.

Gà ri Ninh Hòa

Là một giống gà nội địa có nguồn gốc ở tỉnh Khánh Hòa, có ngã ba giao thương với tỉnh Đăk Lăk. Giống gà này được nhà nước công nhận là giống vật nuôi. Giống gà này có đặc điểm tầm vóc to, cao, mau lớn hơn hẳn các giống gà ta thường thấy. Thịt gà chắc, thơm ngon nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Gà mái có lông màu xám hoặc xám vàng, Gà trống có lông màu sẫm tía hoặc đen tía. Con trống có màu đen, trên lưng có lông màu đỏ tía hay màu dâu, sợi lông dài là những tính trạng ban đầu của gà ri Ninh Hòa.

Gà râu Cái Chiên

Là một giống gà có nguồn gốc từ xã Cái Chiên thuộc huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Chúng là một giống gà có từ lâu đời và món gà râu Cái Chiên là một trong những đặc sản của Quảng Ninh. Số lượng gà bản địa của xã Cái Chiên có khoảng 3.000 con. Hiện nay, huyện Hải Hà đang thực hiện mô hình bảo tồn và phát triển giống gà địa phương.

Gà chọi Bình Định

Là một giống gà có nguồn gốc ở Bình Định, chúng được nuôi cho mục đích làm gà chọi. Chúng được nuôi ở thành phố Quy Nhơn, Tây Sơn và thị xã Hoài Nhơn. Đây là giống gà có kỹ thuật chiến đấu tốt. Gà trống thi đấu đạt thành tích cao thường được bán đi nhiều nơi trong và ngoài nước như ở các trường đấu trong và ngoài nước.

Gà chín cựa

Gà chín cựa hay gà nhiều cựa là một giống gà đặc sản được nuôi tại nhiều thôn bản thuộc xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn của vùng đất tổ Phú Thọ. Giống gà này có kích cỡ nhỏ, thường không quá 1,5 kg, mào đỏ tươi như máu, đuôi cong vút tựa cầu vồng và rất mảnh. Chúng có đặc điểm chân to, chắc và mọc đều 3, 4 cựa mỗi bên. Mỗi cựa dài, ngắn khác nhau, mọc nối theo hàng.

Gà cáy củm

Là một giống gà bản địa có nguồn gốc ở miền Bắc Việt Nam. Chúng là giống gà đặc sản, được nuôi từ lâu ở Hà Giang, Cao Bằng. Gà cáy củm có đặc điểm kỳ lạ là bề ngoài dường như không có phao câu. Hiện nay gà cũng có mặt ở Lâm Đồng do những người đi kinh tế mới du nhập. Giống gà này được đưa vào diện bảo tồn nguồn gen quý hiếm, Viện Chăn nuôi Việt Nam có kế hoạch bảo tồn gà cáy củm và đã được nuôi tại trung tâm giống của tỉnh Cao Bằng.

Gà lông chân

Là một giống gà nội địa được phát hiện tại Mèo Vạc, Hà Giang. Gà Lông chân có nhiều lông ở chân ngay từ khi mới nở. Chúng có chất lượng thịt ngon, có khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt ở vùng núi cao Mèo Vạc. Trọng lượng lớn nhất của gà Lông chân là 5 kg và mỗi năm một gà mái có thể đẻ 50 - 60 quả trứng.

Gà Cao Lãnh

Một giống gà Cao Lãnh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Là một giống gà chọi bản địa có xuất xứ từ vùng Cao Lãnh của Đồng Tháp, gà nòi Cao Lãnh đã đi vào truyền thuyết là giống gà hay được nhiều người truyền tụng qua câu ca dao: Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/ Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân, gà Cao Lãnh là một đặc sản nổi tiếng xứ Nam Kỳ Lục tỉnh.

Gà Chợ Lách

giống gà chọi bản địa Việt Nam có nguồn gốc từ Chợ Lách, Bến Tre. Được lai tạo do công của Trương Vĩnh Ký từ Dulalma (Malaysia) đem về địa phương giống gà chọi Mã Lai để lai tạo với giống gà ta lai (gà chạ lai gà tre) của xứ Cái Mơn để cho ra giống gà mới mà nay chính là chọi ở Bến Tre. Chúng được nuôi làm gà kiểng hay gà chọi.

Gà tre Tân Châu

Là một giống gà bản địa của Việt Nam, chúng là giống gà thường là lựa chọn ưa thích của dân chơi gà kiểng ở Việt Nam đồng thời là một loại gà kiểng đẹp với màu sắc rực rỡ. Gà tre Tân Châu đã dần khẳng định được vị thế của mình trong giới đam mê gà. Những năm 2000, phong trào nuôi gà kiểng ở thị xã Tân Châu phát triển trở lại rồi lan mạnh sang nhiều nơi. Tuy nhiên, dịch cúm gia cầm lại bùng phát, đẩy gà Tân Châu tới bờ vực tuyệt chủng.

Gà ta lai

Gà ta lai hay gà cải tiến (ký hiệu là gà JA hay gà J) là giống gà công nghiệp lông màu lai từ các tổ hợp gà lai trên cơ sở lai tạo các giống gà ngoại nhập (như gà ISA, gà Hubbard, gà tam hoàng) với một số giống gà ta (như gà ri, gà mía gà nòi). Các dòng của chúng là gà lai ri (JA) và gà lai chọi J (gà nòi chân vàng, gà nòi ô tía và gà nòi sọc đen), gà lai mía. Trong số đó các dòng JA 57, JA55, JA90 đã được Nhà nước Việt Nam công nhận là một giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam

Gà VCN

Gà siêu trứng VCN (Gà VCN-G15) hay còn gọi là gà AVGA là một giống gà lai công nghiệp siêu trứng do Viện Chăn nuôi của Việt Nam lai tạo giữa gà mái Ai Cập thả vườn với gà trống gà Hisex nhập nội từ Ucraina, theo đó giống gà nhập nội Hisexwhiter (HW) lai tạo đã đổi tên thành gà VCN-G15, các tên gọi sau này với gà HW được đổi lại là gà VCN-G15 và giống gà VCN-G15 lai với gà Ai Cập được đặt tên là AVGA. Hiện nay có hai tổ hợp của giống gà VCN là VCN-Z15 và VCN-G15 đã được Nhà nước Việt Nam công nhận là một giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh, lưu hành tại Việt Nam

Gà cải tiến

Một số giống gà lai cao sản ở Việt Nam như: Gà lai Hồ - Lương Phượng, Gà RSL, Gà thịt lông màu TP, Gà VBT, Gà TN. Gà Rốt Ri lai, gà BT1 (gà Bình Thắng 1) gà do lai tạo từ giống Rohde-ri và Gold-line, Gà H-98, Gà M-98.

Gà Phù Lưu Tế

Gà Phù Lưu Tế ở xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây. Ngoại hình và năng suất giống gà Đông Tảo. Gà Phù Lưu Tế có nguồn gốc từ gà Đông Tảo. Gỡ khó, phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Giống gà này được FAO công nhận[27].

Gà Ma hoàng

Gà Ma hoàng ở Tiền Giang có sức chống chịu tốt với bệnh tật, tỷ lệ sống cao, tăng trọng nhanh, thời gian từ lúc nuôi đến khi xuất chuồng chưa đầy 3 tháng. Thoạt nhìn hình dáng bên ngoài con gà Ma hoàng giống hệt như gà Tàu, nhưng chúng có 3 điểm khác biệt, đó là: mỏ có màu đen, da chân màu vàng có điểm vẩy đen, và đặc biệt là 3 ngón chân trước bẹt ra.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giống_vật_nuôi_Việt_Nam http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2014/04/140403... http://www.nongnghiepvn.com/agro/news/print/Nuoi-c... http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghie... http://dad.fao.org/Domestic http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Can-dau-t... http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/543591/go... http://www.kinhtenongthon.com.vn/Cac-giong-vat-nuo... http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/thuc-trang... http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_kinhte/_m... http://nld.com.vn/khoa-hoc/viet-nam-bao-ton-gen-21...